Đưa điện mặt trời tới từng hộ gia đình có thể giúp sớm tiếp cận được mục tiêu phát triển năng lượng sạch, nhất là trong bối cảnh các dự án lớn gặp không ít khó khăn về suất đầu tư, mặt bằng…

Quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam xác định rõ 2 loại hình: điện mặt trời trên mái nhà và điện mặt trời nối lưới. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoặc đơn vị thành viên có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án nối lưới với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/KWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tương đương với 9,35 cent/KWh.

Nhà nhà có thể tự sản xuất điện

Quyết định 11 quy định rõ các dự án trên mái nhà được thực hiện cơ chế bù trừ điện năng (net-metering) sử dụng hệ thống công tơ 2 chiều. Trong một chu kỳ thanh toán, lượng điện phát ra từ các dự án trên mái nhà lớn hơn lượng điện tiêu thụ sẽ được chuyển sang chu kỳ thanh toán kế tiếp. Khi kết thúc năm hoặc kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện với giá bán theo quy định.

Quyết định này được coi là tín hiệu tốt nhằm kích thích người dân tham gia phát triển điện mặt trời. Bởi thực tế, trong một chuyến khảo sát tại tỉnh Bình Thuận vào năm 2016, chúng tôi ghi nhận nhiều hộ gia đình tuy mong muốn đầu tư, lắp đặt hệ thống điện mặt trời nhưng lại băn khoăn khi thừa thì không bán được cho bên mua điện. Do vậy, người dân không đầu tư điện mặt trời hoặc chỉ đầu tư công suất thấp để tránh lãng phí.

Hệ thống điện mặt trời hòa lưới 5KW có dự trữ – Hồ Chí Minh

Anh Vũ Hải (tỉnh Bình Thuận) vào thời điểm năm 2016 cho biết chỉ đầu tư hệ thống điện mặt trời với tổng chi phí 140 triệu đồng, mỗi ngày cung cấp 2 KWh bởi nếu làm quy mô lớn hơn thì khi thừa và hòa vào lưới điện, anh không được ngành điện trả tiền. “Với 2 KWh điện là gia đình tôi tiết kiệm được mỗi tháng hơn 60% tiền điện, phần còn lại mua từ điện lưới quốc gia. Nếu nhà nước có chính sách bán – mua linh hoạt, người dân có thể đầu tư hệ thống quy mô lớn hơn 2-3 lần” – anh Hải nói.

Khảo sát của các doanh nghiệp cho thấy tiềm năng phát triển điện mặt trời trên mái của Việt Nam là khá lớn. Chỉ riêng TP HCM có ít nhất 300.000 mái nhà có thể lắp đặt tấm thu năng lượng mặt trời để sản xuất điện. Nếu mỗi mái nhà lắp đặt 2 tấm thu năng lượng thì toàn TP sẽ có tổng công suất điện mặt trời là 78 MW, mỗi năm phát điện được khoảng 105 triệu KWh (tương đương với Nhà máy Thủy điện Cần Đơn ở Bình Phước). Một gia đình chỉ cần lắp đặt hệ thống điện mặt trời đạt 4-5 KWh điện/ngày thì có thể thắp sáng 4 bóng đèn huỳnh quang 40 V, sử dụng 4 quạt máy và 1 ti vi.

Tuy vậy, ông Hoàng Tiến Dũng, Viện trưởng Viện Năng lượng – Bộ Công Thương, đánh giá điện mặt trời từ các hộ gia đình hòa vào lưới điện về mặt kỹ thuật là đơn giản nhưng cơ chế giá thì vẫn còn phức tạp. Bởi theo tính toán, điện mặt trời trên mái nhà phải bán từ 12 -13 cent/KWh mới có lãi.

Áp lực giá điện

Ở góc độ đầu tư của doanh nghiệp, PGS-TS Đặng Đình Thống – chuyên gia cao cấp về năng lượng tái tạo, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam – cho rằng suất đầu tư giảm cùng với giá mua điện được “chốt” ở mức trung bình như trên cũng sẽ là động lực thúc đẩy phát triển điện mặt trời tại Việt Nam mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, đặc biệt là khu vực phía Nam. “Khoảng 10 năm trước, suất đầu tư điện mặt trời khoảng 6.000-7.000 USD/KWp nhưng hiện nay, suất đầu tư trung bình chỉ còn khoảng trên dưới 1.000 USD/KWp, tức là giảm 6-7 lần. Nguyên nhân một phần do công nghệ sản xuất điện mặt trời ngày càng hoàn thiện. Ngoài ra, từ 5-10 năm gần đây, Trung Quốc và Đài Loan đã tham gia vào thị trường này và nhanh chóng trở thành những địa chỉ sản xuất pin mặt trời hàng đầu thế giới với giá cực rẻ, buộc các công ty ở Tây Âu và Mỹ cũng phải giảm giá bán sản phẩm của mình. Hiện nay, sản lượng pin mặt trời của Trung Quốc đã chiếm khoảng 50% thị trường pin mặt trời thế giới” – ông Thống cho hay.

Ông Diệp Bảo Cánh, Tổng Giám đốc Công ty CP Năng lượng Mặt trời đỏ (Red Sun), cũng cho rằng dù mức giá mới được phê duyệt 9,35 cent/KWh có thể bảo đảm mức lợi nhuận vừa phải nếu khéo léo đầu tư song vẫn chưa phải mức kỳ vọng là trên 10 cent/KWh.

Về phía ngành điện, giá mua 9,35 cent/KWh có thể là một áp lực. Ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc EVN, phân tích theo tính toán của EVN, với cơ cấu nguồn điện sẽ phát triển như kế hoạch đã được phê duyệt, tới năm 2020, sẽ phải trả bù thêm cho việc phát triển năng lượng tái tạo dự kiến là 3.706 tỉ đồng; năm 2030 chênh lệch này là 46.000 tỉ đồng và năm 2050 lên tới 230.000 tỉ đồng (tính theo giá điện bình quân hiện nay là 7,3 cent/KWh). Như vậy, mức bù lỗ nếu chưa tính tới các chi phí khác là khoảng 2 cent/KWh, còn nếu tính cả phí truyền tải và phân phối thì phải thêm 30%. Do đó, giới chuyên gia trong ngành cho rằng bài toán giá điện trong bối cảnh thủy điện đã hết tiềm năng, nhiệt điện than vẫn chưa chiếm được lòng tin của dư luận và điện tái tạo ở mức giá cao thì sẽ phải cân nhắc nhiều mặt.

“Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời, đã được ban hành, các chính sách về thuế, giá cũng có nhiều ưu đãi… Đó là các yếu tố quan trọng nhất cho phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Tuy nhiên, để thành công, rất cần sự minh bạch, nhất quán, giảm thủ tục hành chính rườm rà trong quá trình triển khai thực hiện chính sách… Nếu giải quyết được những vấn đề này thì đến năm 2020, Việt Nam có thể sẽ vượt công suất 850 MW của hệ thống điện mặt trời mà Quy hoạch điện VII đã đề ra” – ông Thống nhận định.


Cần hướng dẫn cụ thể cho hộ gia đình

Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo Việt Nam (Viện Năng lượng – Bộ Công Thương), nhận xét giá lắp đặt lớn sẽ là rào cản không nhỏ đối với người dân khi cân nhắc đầu tư ban đầu. Mỗi suất đầu tư điện trên mái một hộ gia đình bình thường có thể tốn từ dưới 100 đến gần 200 triệu đồng. Hơn nữa, giá lắp đặt thiết bị trên mái thường cao hơn 1,3 lần so với mặt đất vì phải mua lẻ qua khâu trung gian phân phối, không mua được tận gốc.

Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển điện mặt trời

Ngoài ra, theo ông Cường, Bộ Công Thương cần gấp rút có hướng dẫn cụ thể về cách thức đấu nối, mua bán điện mặt trời với hộ gia đình. Hiện nay, giá mua 100 KWh đầu đối với hộ gia đình là hơn 1.000 đồng/KWh nhưng giá bán điện mặt trời là hơn 2.000 đồng. “Như vậy, giá bán cao hơn giá mua vào và liệu người dân có thể chọn phương án mua điện từ hệ thống điện quốc gia để sử dụng và bán lại điện mặt trời cho ngành điện hay không. Cần quy định rõ cách thức mua bán như thế nào để có lợi nhất cho các bên” – ông Cường đặt vấn đề.
Nguồn nld .com .vn