1. Chợ bông điên điển

Bông điên điển là loài hoa thủy sinh, thường xuất hiện vào mùa nước nổi. Điên điển có nhiều ở vùng biên giới các tỉnh An Giang, Đồng Tháp… Du lịch miền Tây mùa này du khách dễ dàng bắt gặp những triền hoa điên điển vàng óng ả. Người dân miền Tây hái bông điên điển vào mùa nước nổi để dùng hoặc mang ra chợ bán. Du khách phương xa đến, có thể cùng với người dân miền Tây đi hái bông điên điển hoặc ra chợ, đến các quầy rau củ cũng sẽ có bán. Giá bông điên điển tầm 40 -50 ngàn/kg. Chợ bông điên điển là một trong những chợ đặc biệt ở miền Tây thường xuất hiện vào mùa nước lũ.


Bông điên điển thường được bày bán ở các chợ miền Tây nhất là vào mùa nước nổi

2. Chợ bông súng

Bông súng là loại cây không chỉ cho hoa đẹp mà thân của cây bông súng còn được dùng để chế biến thành những món ăn ngon. Vào mùa nước nổi, bông súng phát triển nhiều, thân mọc dài hàng mấy mét, người dân hái, bó thành từng bó để bán. Mỗi bó thường được bó khoảng 10 cọng, giá vài ngàn đồng một bó. Bông súng, bông điên điển… góp phần làm phong phú sản phẩm cho các chợ vào mùa nước nổi ở miền Tây.


Bông súng bó thành từng bó 10 cọng bán ở các chợ miền Tây

3. Chợ cua

Mùa nước nổi, nếu du khách đi du lịch Đồng Tháp sẽ có cơ hội được đi chợ cua. Chợ cua đồng Trường Xuân ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp được xem là chợ cua lớn nhất miền Tây. Mùa nước nổi, cua đồng sinh sản nhiều, người miền Tây đi bắt cua đồng nhiều vô kể. Mỗi buổi chợ như vậy người dân “tập kết” chừng 100 tấn cua lớn nhỏ để bán cho người địa phương, các đầu mối hải thủy sản, các chợ ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác. Cua mùa lũ nhiều nên giá khá rẻ, tầm 6000 – 7000 đồng/kg. Cùng với bông súng, bông điên điển hay các sinh vật khác vào mùa nước nổi, cua đồng góp phần tạo thu nhập cho người dân miền Tây.


Cua đồng ở các chợ miền Tây được đóng thành bao chở bán cho các mối

4. Chợ cá linh

Nhắc đến mùa nước nổi miền Tây không thể không kể đến cá linh. Cá linh được xem là “đặc sản mùa nước nổi” của người dân miền Tây. Đặc biệt là vào đầu mùa lũ, cá linh non được người dân đánh bắt rất nhiều. Cá linh đầu mùa còn non, xương mềm, ăn ngọt nên được nhiều người miền Tây ưa chuộng. Nhiều du khách đi Tour miền Tây đúng vào mùa nước nổi thường tìm thưởng thức bằng được món lẩu cá linh bông điên điển mới thỏa lòng. Mùa lũ chính là mùa người dân miền Tây đánh bắt cá linh nhiều nhất. Nếu có cơ hội đến miền Tây như An Giang, du khách có thể tìm đến tham quan chợ cá linh non huyện An Phú.


Chợ cá linh thường xuất hiện vào đầu mùa nước nổi miền Tây

Một vài chợ “độc” như trên cũng có thể thấy được miền Tây là vùng đất được “thiên nhiên vô cùng ưu đãi”. Các sản vật đất trời mang lại cho miền Tây vào mùa nước nổi đã làm nên một sự khác biệt, nét đặc trưng của sông nước miền Tây. Điều này góp phần làm cho nền du lịch Việt Nam cụ thể là du lịch miền Tây thêm một nét đặc sắc thu hút du khách. Nếu có dịp về miền Tây vào mùa nước nổi, ngoài những chợ trên, Quý khách có thể tìm các chợ độc khác như chợ ốc, chợ rắn, chợ chuột, chợ trùn, chợ rùa, chợ lươn, chợ cá v.v..