SỰ KẾT HỢP TINH TẾ GIỮA ẨM THỰC VÀ VĂN HÓA VIỆT

Từ bao đời nay, ẩm thực là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống của mọi cư dân hành tinh xanh. Mỗi một dân tộc đều có một nền văn hóa ẩm thực riêng biệt và theo thời gian xu hướng ẩm thực của mỗi vùng, miền, lãnh thổ cũng thay đổi. Chính vì thế ngày nay, người ta có khuynh hướng tìm lại những hương vị ẩm thực cùng những nét văn hóa truyền thống xưa như một sự hoài niệm về cội nguồn dân tộc và tổ tiên...

Đến một độ tuổi nào đó, trong một không gian nào đó, ở một khoảnh khắc nào đó, ta bỗng thèm làm sao hương vị của món cá kho tộ, hay thịt kho tiêu của nội hoặc bát canh chua cá nóng hổi thơm phức mẹ nấu… Là người Việt, tôi tin rằng không ai không từng trải qua cảm xúc đó. Nhưng tiếc thay, việc tìm lại chính xác những hương vị ngày xưa ấy giờ lại càng xa xôi hơn bởi một lẽ giản đơn cuộc sống hiện đại tất bật đến nỗi chẳng còn mấy ai còn đủ thời gian và quan tâm đến việc phục chế lại những gì xưa cũ. Một bữa ăn gia đình ngày càng trở nên hiếm hoi trong khi các nhà hàng thì đa phần chỉ cốt làm sao để bán thật nhiều hải sản đắt tiền.

Không thể đi ngược lại với xu hướng chung, nhưng trong một nỗ lực nhỏ bé nhằm quảng bá nền văn hóa ẩm thực dân gian độc đáo của Việt Nam, Nhà hàng NÓN LÁ ra đời.

Ý nghĩa Nón Lá?

Nói đến những hình ảnh biểu tượng của Việt Nam, người ta thường chỉ nhắc đến tà áo dài mà trong tự điển thế giới ngày nay đã dành hẳn một từ “áo dài”. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà chiếc nón lá vốn luôn đi đôi với những tà áo dài đầy nữ tính lại ít được đề cập đến.

Với những người con Việt xa quê, chắc hẳn hình ảnh chiếc nón lá là sự gợi nhớ thân thương nhất về quê cha đất tổ. Chiếc nón lá đã đi cùng với những bà mẹ Việt Nam tảo tần quang gánh nuôi con… chiếc nón lá che mưa nắng cho người nông dân Việt cần cù chịu khó quanh năm với công việc đồng áng… chiếc nón lá gắn liền với những tà áo dài nữ sinh thanh khiết hay những chiếc áo bà ba mộc mạc, thôn dã… chiếc nón lá giúp vinh danh những người đẹp Việt Nam trên sân khấu và sàn diễn sắc đẹp và thời trang quốc tế…

Các làng nghề nón lá trải đều ở 3 cả miền trên khắp đất nước Việt Nam. Miền Bắc nổi tiếng với Nón lá Làng Chuông, miền Trung được biết đến nhiều với những chiếc nón bài thơ xứ Huế hay làng nón Gò Găng, Bình Định, trong khi làng nón ở Tây Ninh là một trong những địa phương thuộc miền Nam nổi tiếng với nghề chằm nón xưa.

Chiếc Nón lá đã đi sâu vào trong máu thịt, đời sống của người dân Việt tự bao đời thế nhưng giờ đây trào lưu thời trang và cuộc sống hiện đại đã và đang xóa dần đi những hình ảnh thân thương ấy. Làm thế nào để góp phần bảo tồn hình ảnh của một sản phẩm mang tính biểu tượng Việt Nam như chiếc nón lá có lẽ là điều mà chúng ta - những người con Việt phải suy ngẫm. Chính vì lý do đó, việc lấy “Nón Lá” đặt tên thương hiệu cho nhà hàng của chúng tôi không chỉ cốt để quảng bá nền ẩm thực và văn hóa Việt mà còn để thể hiện tâm huyết của những doanh nghiệp Việt Nam đối với việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc.

Với cái tên “NÓN LÁ”, chúng tôi muốn khẳng định với thực khách tính gần gũi thân thương của nhà hàng chúng tôi như hình ảnh chiếc nón lá vậy, nhưng đằng sau đó là một quyết tâm cao nhằm góp phần cổ vũ niềm tự hào lớn lao về nền văn hóa ẩm thực của Việt Nam tiến lên một đẳng cấp mới.

“Dân dã mà sang trọng, giản dị mà đẳng cấp”. Đó chính là mục tiêu mà Nhà hàng Nón Lá chúng tôi đang hướng tới.

Tự hào ẩm thực Việt

Trong mắt bạn bè Quốc tế, Việt Nam đang nổi lên như một trong những quốc gia kinh tế phát triển với tốc độ nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Không chỉ có những nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đến Việt Nam mà ngày càng đông đảo du khách quốc tế hướng đến Việt Nam như một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất thế giới. Có lẽ hiếm có một quốc gia nào được thiên nhiên ban tặng một hệ thống biển đảo vừa đẹp vừa yên bình với chiều dài hơn 3 ngàn km như Việt Nam… và có lẽ cũng hiếm có một dân tộc có một nền văn hóa ẩm thực vừa độc đáo vừa đa dạng như Việt Nam! Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào với di sản mà cha ông ta phải trải qua biết bao thời gian và thăng trầm để bảo tồn và phát triển. Không chỉ dừng lại ở đó mà mỗi người dân Việt còn có trách nhiệm phải phát huy niềm tự hào đó bằng hành động.

Là một nhà hàng Việt Nam, toàn thể đội ngũ chúng tôi từ chủ đầu tư, ban quản lý, ekip bếp và nhân viên phục vụ của NÓN LÁ đều thấm nhuần niềm tự hào văn hóa ẩm thực Việt và nỗ lực không ngừng để mang đến cho thực khách trong và ngoài nước những món ăn đậm đà hương vị và bản sắc dân tộc.

Các món khai vị như “Thịt đông, giò thủ dưa chua” tưởng chừng đơn giản nhưng không dễ đúng “chất Bắc” tí nào…

Còn các món gỏi như “Gỏi rau muống chiên giòn” hay “Gỏi nha đam trộn hải sản” chắc chắn sẽ khiến thực khách bất ngờ và thú vị...

Hay các món nhậu dân dã như “Bắp Kèn”, “Ếch chiên rơm”, “Ốc bó sả”… sẽ khiến cho bữa tiệc của bạn cùng bạn bè, đối tác thêm đậm đà và khó quên.

Tại Nhà hàng Nón Lá, thực khách còn có thể tìm thấy vô số những món hải sản, đặc sản lạ và tươi sống được chuyển về từ nhiều vùng miền khắp nhau trên cả nước.

Và, không thể không kể đến món “Cơm chiên kháng chiến” nướng trong lá chuối thơm ngậy hay “Lẩu Nón Lá” với hương vị thuốc bắc và nấm các loại vừa ngon ngọt đến lạ kỳ vừa bổ dưỡng cho sức khỏe.

Dân tộc Việt Nam không chỉ được thế giới nhắc đến qua những bờ biển đẹp, những danh thắng nổi tiếng hay những món ăn ngon mà còn là những con người thân thiện, mến khách hiếm thấy ở một quốc gia nào khác.

Tự hào với tính cách đó, ngay từ những ngày đầu hình thành, nhà hàng NÓN LÁ không ngừng xây dựng và đào tạo một đội ngũ nhân viên từ thấp đến cao với một thông điệp duy nhất “thân thiện, mến khách, tận tâm và chuyên nghiệp”.

Không chỉ trau dồi về phong cách phục vụ, nhà hàng NÓN LÁ còn đầu tư nghiêm túc cho trang phục của đội ngũ nhân viên. Những tà áo yếm xưa được tái hiện và thiết kế lại thành trang phục chủ đạo của đội ngũ phục vụ nữ, những tà áo dài cách tân mềm mại mà quý phái của đội ngũ tiếp tân… không chỉ nhằm để tạo nên những nét riêng biệt chỉ có thể tìm thấy ở NÓN LÁ mà còn góp phần tôn vinh thêm cho thời trang Việt.

Không gian văn hóa Việt

Để tạo nên một không gian đậm chất văn hóa Việt Nam, ý tưởng thiết kế chủ đạo của nhà hàng Nón Lá được xây dựng trên tiêu chí dân dã, bình dị nhưng vẫn tạo được nét sang trọng và đẳng cấp. Với lợi thế tọa lạc tại vị trí đắc địa ngay trục đường chính ở trung tâm quận 1, Nhà hàng Nón Lá dễ tạo ấn tượng với khách vãng lai bởi mặt tiền hết sức nổi bật. Một bộ cổng chào bằng gỗ dát đồng tuyệt đẹp được mô phỏng theo bộ cửa cổ ở các ngôi nhà xưa, bên trên được che phủ bởi một mái lá dừa hình chóp nón đường kính lên tới gần 3 mét. Ngoài ra mặt tiền bên ngoài còn được ốp bằng hàng trăm viên đá ong và gạch cổ được sắp xếp trông rất hài hòa và vui mắt.

Nếu như phần ngoại thất nhà hàng làm cho quý khách ấn tượng bởi sự gần gũi và bình dị đậm chất thôn quê Việt Nam thì khi bước tiếp qua cổng chính vào sảnh chung thì ấn tượng đó càng tăng lên gấp bội. Bạn có cảm giác như mình vừa lạc vào lâu đài gạch sang trọng, thông thoáng nhưng vô cùng ấm cúng. Từ các hàng cột cho đến các bức tường đều được ốp bằng đá ong, gạch cổ và gạch gốm do Việt Nam sản xuất. Và đặc biệt hơn hết là mái vòm kép của sảnh lớn này được ốp bằng hàng ngàn miếng gạch cổ, có thể nói là có một không hai.